Masterise Group và Unicef Việt Nam đưa sáng kiến nhà vệ sinh không phát thải đầu tiên tới Sóc Trăng

02-01-2023

Mô hình nhà vệ sinh không phát thải Aquonic sẽ sớm được UNICEF Việt Nam và Masterise Group triển khai tại Sóc Trăng trong dự án “Innovation for Children – Sáng kiến thay đổi tương lai”.

Đại diện SCG Thái Lan và UNICEF Việt Nam giới thiệu Aquonic - mô hình nhà vệ sinh không phát thải sẽ sớm được lắp đặt tại Sóc Trăng. Ảnh: Masterise Group

Thiếu nước sạch vẫn là một thách thức lớn ảnh hưởng đến trẻ em ở khắp nơi trên thế giới – không chỉ riêng Việt Nam. Nước sạch, vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân (WASH) là những yếu tố cốt lõi của phát triển nguồn nhân lực và thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam. Theo UNICEF Việt Nam, hơn 80% trường học trên cả nước đã có công trình nước sạch và vệ sinh, tuy nhiên chất lượng nhiều công trình chưa đảm bảo hoặc đã xuống cấp. Vì vậy, UNICEF luôn hợp tác với chính phủ và khu vực tư nhân, nỗ lực đạt mục tiêu phát triển bền vững về nước sạch và vệ sinh – mà tiêu biểu gần đây nhất là dự án hợp tác cùng Masterise Group.

“Net Zero Aquonic” là mô hình xử lý nước thải không phát thải khí nhà kính gồm các bể xử lý nhỏ gọn với nhiều cấu phần, có thể biến nước thải từ bể tự hoại thành nước sạch, không chứa mầm bệnh và có thể tái sử dụng để tưới tiêu hoặc xả nhà vệ sinh. Hệ thống xử lý được vận hành hoàn toàn bằng nguồn năng lượng sạch từ pin mặt trời. Tại Việt Nam, sáng kiến này sẽ được UNICEF thử nghiệm lắp đặt ở Trường Tiểu học Long Phú C (Sóc Trăng) trong khuôn khổ “Innovation for Children – Sáng kiến thay đổi tương lai.” 

Đúng như tên gọi, “Sáng kiến Thay đổi Tương lai” kỳ vọng tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh và bền vững cho trẻ em Việt Nam thông qua những sáng kiến công nghệ, năng lượng và nước sạch tiên tiến. Bảy tháng sau lễ ký kết hợp tác, đại diện Masterise Group và UNICEF Việt Nam đã tới Sóc Trăng đánh giá thực trạng, tổ chức gặp gỡ tham vấn trẻ em và người dân. Trong chuyến đi này, dự án đã lần đầu giới thiệu tới địa phương về sáng kiến nhà vệ sinh không phát thải được triển khai thành công tại Thái Lan và một số nước khác. 

Công trình Aquonic đầu tiên tại Thái Lan (trên). Khu vực dự kiến sẽ lắp đặt công trình đầu tiên tại trường Tiểu học Long Phú C, tỉnh Sóc Trăng (dưới). Ảnh: SCG / Masterise Homes®
Theo thông tin từ dự án “Innovation for Children”, nhà vệ sinh không phát thải này được lần đầu lắp đặt năm 2019 tại một khu dân cư thu nhập thấp ở Bangkok. Đáp ứng các yêu cầu của ISO 30500, hệ thống đã đạt kết quả đáng ngạc nhiên: giảm tới 91% tổng chất rắn lơ lửng và giảm 99.99% vi khuẩn E.coli cho giai đoạn xử lý nước thải.
Trường Tiểu học Long Phú C hiện có 200 học sinh và giáo viên, dự kiến cần lắp đặt một hệ thống bể Aquonic để đáp ứng nhu cầu vệ sinh. Chia sẻ tại buổi làm việc, đại diện địa phương bày tỏ sự cảm kích và phấn khởi khi sáng kiến này sẽ lần đầu được triển khai trên địa bàn tỉnh. “Sau khi gặp gỡ và được các chuyên gia giới thiệu về các công trình ứng dụng Aquonic đã thành công ở Thái Lan, Indonesia, Nam Phi và Ấn Độ, chúng tôi rất mong chờ sáng kiến này sớm được lắp đặt và đi vào sử dụng để nâng cao điều kiện vệ sinh và học tập của giáo viên và học sinh trường,” thầy Diệp Thanh Hải, Hiệu trưởng trường Tiểu học Long Phú C chia sẻ. 

Ông Jason Turnbull, Phó Tổng Giám đốc Masterise Homes®, đại diện Masterise Group chia sẻ: “Mục tiêu của Innovation for Children là giải quyết tận gốc vấn đề cấp bách: biến đổi khí hậu và trẻ em thông qua những sáng kiến mang tính dài hạn. Mô hình nhà vệ sinh không phát thải sắp được thử nghiệm tại Sóc Trăng này chính là một trong những sáng kiến đầu tiên. Chúng tôi hi vọng mô hình này sẽ được thử nghiệm thành công, từ đó tạo tiền đề để có thể nhân rộng trên khắp Việt Nam trong tương lai.” 

Đại diện UNICEF Việt Nam và Masterise Group trong chuyến khảo sát thực địa để gặp gỡ và tham vấn người dân và học sinh tại Sóc Trăng. 

Cũng tại buổi làm việc, đại diên các bên liên quan từ cấp Trung Ương và tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện ký kết về trách nhiệm của từng bên trong việc vận hành, duy trì và bảo dưỡng hệ thống sau khi lắp đặt cũng như nhân rộng mô hình sau khi đánh giá hiệu quả. Đây cũng chính là điểm tạo nên tính “bền vững” của dự án “Innovation for Children”. Sự bền vững là khi nỗ lực không dừng lại ở bước kiến tạo sáng kiến, mà còn giải quyết bài toán trong dài hạn bằng cách huy động nguồn lực và có cam kết cụ thể để tất cả các bên cùng chung tay vì một tương lai tốt đẹp hơn. 

Sau chuyến đi gặp gỡ và làm việc với địa phương, UNICEF Việt Nam hiện đang tiến hành các bước cần thiết để xây dựng, nâng cấp các công trình vệ sinh, nước sạch và các hoạt động nâng cao năng lực, chuyển giao công nghệ cho địa phương, truyền thông trong trường học và cộng đồng. Dự kiến các hoạt động sẽ được hoàn thành trong năm 2023.