Khu Đông, nhờ lợi thế về vị trí trọng điểm trong liên kết vùng Thủ Đô, hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội đồng bộ, quỹ đất lớn và nền tảng 5 năm phát triển toàn diện đang chứng kiến làn sóng dịch chuyển mạnh mẽ của cư dân từ nội đô, trở thành một tiêu điểm dẫn dắt thị trường bất động sản miền Bắc trong dài hạn.
Những năm gần đây, khu Đông Hà Nội nổi lên như một trung tâm phát triển bất động sản mới, không chỉ của Hà Nội mà còn của cả khu vực miền Bắc. Trong bối cảnh Thủ đô tăng cường liên kết vùng, gia tăng tỷ lệ đô thị hoá, quỹ đất phát triển các dự án mới ở trung tâm, hay phía Tây tiếp tục bị thu hẹp, các chuyên gia dự đoán khu Đông với lợi thế quỹ đất rộng, đã phát triển các đại đô thị hiện đại, đồng bộ đang trên đà bứt phá, trở thành một trong những động lực chính dẫn dắt thị trường bất động sản miền Bắc trong 3 đến 5 năm tới.
Cú hích hạ tầng quy hoạch – chìa khóa mở cửa tiềm năng bất động sản khu Đông
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 cũng cụ thể hóa các mục tiêu đưa Hà Nội trở thành động lực thúc đẩy khu vực vùng Thủ đô bằng các chiến lược hợp tác liên kết vùng. Trong bối cảnh đó, khu phía Đông Hà Nội như Gia Lâm, Long Biên và các tỉnh lân cận như Hưng Yên với cơ sở hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, thông minh đang dần hình thành các trung tâm phát triển mới của Thủ đô.
Theo bản đồ quy hoạch Gia Lâm giai đoạn 2021-2030 của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, phía Đông sẽ đón các công trình giao thông trọng điểm kết nối nội bộ và khu vực lân cận. Dự kiến sẽ có tất cả 9 cây cầu vượt sông Hồng và sông Đuống như cầu Ngọc Hồi (chạy qua sông Hồng đến xã Văn Đức, Gia Lâm), cầu Mễ Sở (địa bàn xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, Hưng Yên)…
Ngoài đầu tư hạ tầng, tại Kế hoạch số 216/KH-UBND thành phố Hà Nội cũng đặt ra những mục tiêu cao về tỷ lệ đô thị hóa, dự kiến đạt từ 60-62% vào năm 2025 và tăng lên khoảng 65-75% vào năm 2030. Cùng đà phát triển, ở phía Đông, nhiều tỉnh thành giáp ranh Hà Nội cũng đang đón làn sóng đầu tư đồng bộ, đẩy mạnh mục tiêu đô thị hoá, trong đó, Hưng Yên cũng đặt mục tiêu đến năm 2030 cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại I; tỷ lệ đô thị hóa khoảng 60 – 65% và đến năm 2050 khoảng 80%.
Hưởng lợi thế từ mục tiêu chung về quy hoạch vùng Thủ đô, bất động sản phía Đông có dư địa phát triển và những cơ hội bứt phá trong dài hạn.
Sức hút khu Đông đang được minh chứng
Trong 5 năm qua, bất động sản khu Đông Hà Nội đã lột xác trở thành thị trường hội tụ đủ các phân khúc sản phẩm, những tiện ích lần đầu xuất hiện trên thị trường cũng góp mặt tại đây, giá tăng trưởng mạnh mẽ nhưng tỷ lệ thanh khoản liên tục dẫn đầu thị trường thời gian gần đây.
Theo báo cáo từ CBRE, thị trường chung cư Hà Nội ghi nhận sức mua tăng mạnh, tính riêng trong quý II/2024, số căn đã bán đạt 10.170 căn, gấp 5 lần số căn bán được ở quý trước và cả cùng kỳ năm ngoái. Các dự án chung cư tập trung ở các khu đô thị lớn phía Đông Hà Nội tiếp tục ghi nhận tỷ lệ bán tốt. Đơn vị này nhận định “Thời điểm cuối quý I/2024, thị trường ghi nhận nhiều dự án triển khai hoạt động đặt chỗ không chỉ tại Hà Nội, mà còn ở các địa phương lân cận như Hưng Yên, Hải Phòng…”. Bên cạnh đó, đơn vị này dự báo nguồn cung mới tại Hà Nội trong năm 2024 sẽ tăng gấp đôi năm ngoái song cũng sẽ có sự dịch chuyển từ các quận trung tâm sang khu vực phía Đông thành phố.
Việc hình thành các đại đô thị đã thúc đẩy xu hướng giãn dân, dịch chuyển từ trung tâm ra vùng lân cận khi dân số ở các quận huyện, tỉnh giáp ranh Hà Nội tăng trưởng mạnh trong những năm qua. Số liệu cho thấy, năm 2010, quy mô dân số Gia Lâm chỉ vào khoảng 204.000 người thì hiện vào khoảng 309.000 người. Hay khu vực Văn Giang, Hưng Yên cũng gia tăng rất mạnh khi các khu đô thị lớn đi vào hoạt động với quy mô dân số năm 2020 khoảng 123.000 người, thì đến 2040 sẽ gấp 3 lần, vào khoảng 350.000 người.
Thị trường bất động sản phía Đông Hà Nội phát triển mạnh nhờ lợi thế về vị trí, quỹ đất lớn và quy hoạch bài bản
Mảnh ghép còn thiếu tại khu Đông
Với tầm nhìn quy hoạch vùng Thủ đô và sự đầu tư bài bản của các đơn vị phát triển bất động sản, giới chuyên gia cho rằng, khu Đông đang ngày càng khẳng định vị thế, trở thành động lực dẫn dắt thị trường bất động sản miền Bắc 3-5 năm tới. Ngày càng nhiều đại đô thị xuất hiện, trong đó, Ocean City, bao gồm Ocean Park 1, 2, và 3 là một đại đô thị nổi bật tại khu Đông Hà Nội với hạ tầng nội khu hiện đại và quy hoạch phát triển đồng bộ, hệ thống tiện ích khép kín: từ các trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại đến công viên xanh…
Đến nay, tỷ lệ lấp đầy tại Ocean Park 1 đã đạt trên 70%, với gần 60.000 cư dân chuyển về sinh sống. Xu hướng di dân sẽ tiếp tục lan rộng tại Ocean Park 2 khi nơi đây đã hình thành mô hình đô thị – giải trí – nghỉ dưỡng, trở thành điểm đến mới ở miền Bắc với trung tâm vui chơi giải trí lớn Grand World thu hút đông đảo người dân và du khách. Tuy nhiên, ở Ocean Park 2, hiện chủ yếu là nguồn cung phân khúc thấp tầng, đáp ứng nhu cầu kinh doanh. Trong khi đó, thị trường vẫn vắng bóng những dự án cao tầng đầy đủ tiện nghi, đáp ứng nhu cầu an cư và các tiêu chuẩn sống ngày càng cao của cư dân.
Dù mới “Bắc tiến” khoảng 3 năm trở lại đây, song Masterise Homes trở thành tên tuổi đáng chú ý với những dự án cao tầng chuẩn quốc tế tại những vị trí đắc địa nhất của các đại đô thị, kiến tạo nguồn cung và góp phần định hình thị trường bất động sản ở những nơi nhà phát triển bất động sản này xuất hiện. Đầu năm nay, Masterise Homes lại ghi những dấu ấn thành công với LUMIÈRE Evergreen tại đại đô thị Smart City. Chắc chắn với tiềm lực vững vàng và tầm nhìn dài hạn, Masterise Homes sẽ có những chiến lược góp phần thúc đẩy thị trường khu Đông bứt phá với nhiều dự án mới ở Ocean Park 2, 3.
Với bề dày kinh nghiệm phát triển các dự án thu hút đông đảo cộng đồng cư dân toàn cầu, giới chuyên gia kỳ vọng, nhà phát triển này sẽ tiên phong trong việc cung cấp nguồn cung bất động sản với chuẩn quốc tế cùng dòng sản phẩm LUMIÈRE Series, khai mở giá trị sống mới tại Ocean Park 2, góp phần vào sự phát triển toàn diện của khu Đông Hà Nội. Đây sẽ là một mảnh ghép quan trọng, góp phần thay đổi diện mạo khu vực, đưa khu Đông trở thành động lực dẫn dắt thị trường bất động sản trong thời gian tới.